Làm Thế tử Quang Hải quân

Trong Nhâm Thìn Oa loạn

Lý Hồn chào đời ngày 4 tháng 6 năm 1575, là con trai thứ 2 của Triều Tiên Tuyên Tổ Lý Diên với người vợ thứ là Cung tần họ Kim. Trước ông là một người anh, Lâm Hải quân, cũng do Kim thị sinh ra. Khi Lý Hồn vừa lên 2 thì mẹ ông qua đời, hai anh em ông được giao cho vợ cả của Tuyên Tổ là Vương phi họ Phác (tức Ý Nhân Vương hậu) nuôi dưỡng đến lúc trưởng thành[Ghi chú 1].

Đương thời Phác phi không có con và bệnh tật liên miên, khiến triều đình Tuyên Tổ luôn cảm thấy phiền muộn vì không có thái tử. Vua Tuyên Tổ đã nhiều lần tính tới chuyện chọn một người con của hậu cung cho vị trí Thế tử, nhưng vẫn trù trừ không quyết. Ngày tháng qua đi, khi nhà vua sang tuổi 40 thì triều thần bắt đầu hết kiên nhẫn và đề nghị chọn một người con thứ con vị trí Thế tử, mà người khởi xướng đầu tiên là Trịnh Triệt thuộc phái Tây Nhân. Năm 1591, Trịnh Triệt sau khi bàn luận với bọn Liễu Thành Long, Lý Sơn Hải thì dâng thư thỉnh ý nhà vua lập Quang Hải quân làm Thế tử. Bấy giờ vua Tuyên Tổ đang sủng ái Quý nhân họ Kim (sau phong làm Nhân tần) và con trai của bà ta, Vương tử thứ 4 Tín Thành quân Lý Dực[1]. Lý Sơn Hải là người phái Đông Nhân luôn ngấm ngầm mâu thuẫn với Trịnh Triệt nên nhân đó dụng kế trừ khử ông này. Ông ta liên lạc với Kim quý nhân và cho bà ta biết rằng Trịnh Triệt đang mưu việc lập Quang Hải quân và sau đó sẽ giết chết Tín Thành quân. Quý nhân đem những việc này khóc lóc với nhà vua.. Sau khi Trịnh Triệt dâng sớ lập Thế tử thì đảng Đông Nhân không ai nói lời nào, và Tuyên Tổ đã cho lưu đày ông ta, việc lập tự do đó bị gác lại[2].

Lúc này ở bên kia bờ biển, nước Nhật vừa mới thống nhất bắt đầu lăm le dòm ngó Triều TiênTrung Quốc[3]. Năm 1592, người chấp chính nước Nhật là Toyotomi Hideyoshi đem 23 vạn quân xâm lược Triều Tiên, bắt đầu cho cuộc chiến kéo dài 7 năm mà sử gọi là Nhâm Thìn Oa loạn[4][5]. Khi đất nước lâm vào cảnh nguy cấp, các đại thần và quý tộc gây sức ép buộc nhà vua phải công bố người kế vị để ổn định lòng dân. Tuyên Tổ bất đắc dĩ phải đồng ý[6]. Ngày 8 tháng 6 năm 1592[7], Quang Hải quân Lý Hồn chính thức được lập làm Vương thế tử, cho vào ở Đông cung và nhận lễ mừng của bách quan[6].

Sở dĩ Quang Hải quân được chọn làm Thế tử một phần vì nhân cách bị đánh giá xấu của những người anh em của ông. Người anh ruột cùng mẹ là Lâm Hải quân đáng lẽ là người có tư cách nhất, nhưng ông ta bị triều thần hạch tội là lợi dụng thân phận Vương tử để cướp đoạt ruộng đất và tống tiền của những người nông dân[8]. Vương tử thứ 4, Tín Thành quân được Tuyên Tổ thương yêu nhất đã qua đời trong năm đó, Vương tử thứ 6 Thuận Hòa quân bị phạm tội thông gian với các cung nhân, còn Vương tử thứ 5 Định Viễn quân (phụ thân vua Nhân Tổ sau này) cũng không được đánh giá tốt về hạnh kiểm[9]. Trong khi đó Quang Hải quân được nhìn nhận là người phẩm hạnh đoan chính, thông tuệ hiếu học, và nhân hiếu; nên khi ông được chính vị thì các triều thần đều tỏ ý vui mừng[8].

Trước sự tấn công vũ bão của người Nhật, các thành trì của Triều Tiên lần lượt bị công phá. Ngày 10 tháng 6 năm 1592, quân Nhật tiến vào kinh đô Hán Thành, vua Tuyên Tổ hốt hoảng bỏ chạy về phía bắc[10]. Vị Thế tử vừa mới sách phong được 1 ngày đã phải cùng triều đình lưu vong, và chiếu thư lập tự bị trì hoãn đến ngày 17 tháng 6 mới công cáo rộng rãi với người dân tại Bình Nhưỡng là nơi triều đình đặt hành tại. Quân Nhật lại tiến về phía bắc để tóm sống hoàng tộc họ Lý, đến ngày 24 tháng 7 thì họ đã có mặt tại Bình Nhưỡng[11]. Vua Tuyên Tổ tính chuyện bỏ đất nước chạy qua Liêu Đông nương nhờ nhà Minh[12], tuy nhiên các triều thần đứng đầu gồm Lãnh nghị chánh Liễu Thành Long, Tả nghị chánh Thôi Hưng Nguyên và Hữu nghị chánh Doãn Đẩu Thọ đều lên tiếng phản đối. Sau nhiều tranh cãi, vua Tuyên Tổ quyết định bỏ chạy tháo thân, để lại Thế tử cùng các thuộc hạ ở lại chống giữ đất nước với chức danh là Quyền Nhiếp quốc sự[12]. Trong thời gian này, Thế tử đã thay thế xuất sắc nhiệm vụ của một vị vua, duy trì được tinh thần của tướng sĩ và dân chúng cho cuộc kháng chiến. Đến năm 1593, quân cứu viện của nhà Minh do Tổng binh Lý Như Tùng dẫn đầu được cử đến Triều Tiên, và người Nhật quyết định đàm phán để rút về nước vào ngày 18 tháng 5 năm đó[3][13]. Sau đó người Nhật quay lại xâm lược lần 2 vào năm 1597, nhưng với sự chỉ huy của Đô đốc thủy quân Lý Thuấn Thần, Triều Tiên đẩy lui cuộc tấn công này. Sau khi Toyotomi Hideyoshi chết vào giữa năm 1598, người Nhật từ bỏ tham vọng đối với Triều Tiên[14].

Tranh chấp cha - con

Tuy nhiên sau cuộc chiến lần này, mối quan hệ cha - con giữa nhà vua và Thế tử bị rạn nứt, do những nguyên nhân như sau

  • Theo lệ Thế tử hàng ngày ngoài việc đọc sách trong thư viện thì hai bữa sáng tối phải đến thỉnh an Quốc vương, tuy nhiên Quang Hải quân lấy cớ bị bệnh liên miên nên nhiều lần không tuân thủ, khiến Tuyên Tổ bất mãn.
  • Khi triều đình chia làm hai (một phần theo Tuyên Tổ bỏ trốn, phần kia cùng Thế tử ở lại) thì các nho sinh rất bất bình vì hành động tham sống sợ chết của nhà vua, khiến uy tín của ông sụt giảm trầm trọng. Có người còn thẳng thắn yêu cầu Tuyên Tổ nên nhượng vị cho Thế tử khiến Tuyên Tổ rất xấu hổ, do vậy sau khi về nước thì ra sức thu hồi vương quyền và đàn áp Thế tử.

Trong 7 năm chiến tranh từ 1592 đến 1598, sử sách ghi nhận 18 lần tấu thỉnh của các nho sinh yêu cầu nhượng vị hoặc cho Thế tử quyền nhiếp chính, mà vua Tuyên Tổ luôn nghĩ rằng chính Thế tử Hồn là người đứng sau giật dây. Vì tranh giành quyền lợi với chính con trai của mình, Tuyên Tổ tuyên bố rằng vì Lý Hồn chưa có sắc mệnh của nhà Minh mà không chịu giao cho ông ấn tín của Thế tử[15], sau đó còn cấm ông vào điện thỉnh an[16].

Trước đó vào mùa thu năm 1595, các sứ giả Triều Tiên đã báo cáo với nhà Minh về việc lập Thế tử. Tuy nhiên quan Thượng thư bộ Lễ của nhà MinhPhạm Khiêm cho rằng việc này là trưởng ấu bất phân nên không đồng tình. Những năm sau đó các quan nhà Minh vẫn giữ vững lập trường của họ, và cho đến tận khi Tuyên Tổ qua đời thì ngôi Thế tử vẫn không được nhà Minh công nhận[13]. Việc này khiến Thế tử Hồn gặp nhiều bất lợi vì ông không phải con trưởng, không được sự tín nhiệm của vua cha và cũng không được sự công nhận của nhà Minh.

Năm 1600, Phác vương phi qua đời. Năm 1602, Tuyên Tổ phong một cô gái họ Kim ở Diên An làm Kế phi (tức Nhân Mục vương hậu). So với Thế tử thì vị tân Vương phi này còn nhỏ hơn tới 9 tuổi. Năm 1606, Kim Kế phi hạ sinh một người con trai là Vĩnh Xương Đại quân Lý Nghĩa. Trong những năm này, quan hệ giữa vua và thế tử ngày càng xấu đi, từ việc Tuyên Tổ nhiều lần cản trở việc sai sứ cầu phong Thế tử với nhà Minh, đến việc lập Kế phi để mong có đích tử. Cho nên sự ra đời của Vĩnh Xương Đại quân là đả kích rất lớn với Thế tử Hồn, bởi ở một nước sùng Nho giáo như Triều Tiên thì địa vị của dòng chính đích luôn được đề cao so với dòng thứ. Cho dù Tuyên Tổ rất muốn phế Thế tử Hồn để đưa Vĩnh Xương Đại quân lên thay thế, nhưng triều thần đa số không tán đồng việc thay ngôi của một người có công lớn với đất nước bằng một đứa trẻ còn ẵm ngữa[Ghi chú 2]. Nhận thấy thế cục biến chuyển, triều đình bắt đầu chia bè kết cánh[Ghi chú 3], trong đó Liễu Vĩnh Khánh của phái Tiểu Bắc Nhân ủng hộ nhà vua và Vĩnh Xương Đại quân, thanh thế rất lớn trong triều. Tuyên Tổ thể hiện ý định của mình khi triệu Liễu Vĩnh Khánh vào cung và nhắn nhủ: Hãy chăm sóc tốt cho Vĩnh Xương đại quân. Tuy nhiên khi bệnh tình trở nặng vào năm 1608 khi Vĩnh Xương Đại quân vẫn còn quá nhỏ tuổi, thì nhà vua đành phải chấp nhận sự thật và ban chiếu nhường ngôi cho Thế tử Hồn. Liễu Vĩnh Khánh được nhận chiếu này tuy nhiên không công bố mà cố ý giấu đi.